1.1. QUAN ĐIỂM DẠY HỌC
Mô hình 3 bình diện về dạy học (3 dimensions of teaching) biểu diễn mối quan hệ của Quan điểm dạy học (teaching approach), Phương pháp dạy học (teaching method) và Kĩ thuật dạy học (teaching technique) (Anthony, 1963). Mô hình cho thấy việc xác định phương pháp và kĩ thuật dạy học cần dựa trên cơ sở của quan điểm dạy học, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hiểu rõ các quan điểm dạy học hiện hành để lựa chọn phù hợp với các điều kiện thực tiễn.
1.1.1. Các lí thuyết học tập
Các nhà tâm lí học giáo dục đã đề xuất nhiều lí thuyết về học tập (learning theory), trong đó có 3 thuyết nổi bật nhất, vẫn được xem xét và áp dụng trong dạy học đến hiện nay, bao gồm: thuyết Hành vi (Behaviorism), thuyết Nhận thức (Cognitivism) và thuyết Kiến tạo (Constructivism). Theo Agarkar (2019), lí thuyết mới ra đời khắc phục các hạn chế của thuyết cũ, tuy nhiên không loại trừ hoàn toàn, và cả 3 lí thuyết này vẫn nên được áp dụng trong dạy học hiện nay, tuỳ thuộc vào yêu cầu và điều kiện dạy học. Sơ đồ bên cạnh tóm tắt sự giống nhau và khác nhau của 3 lí thuyết học tập này.
Thuyết Hành vi (Behaviorism)
Nội dung thuyết Hành vi (Agarkar, 2019): Học tập là quá trình điều chỉnh hành vi quan sát được, thông qua cơ chế thưởng - phạt (rewards - punishments). Dạy học là quá trình truyền đạt giúp học sinh "làm quen" với tri thức khoa học (kích thích - stimulus), biểu hiện bởi việc học sinh làm bài kiểm tra kiến thức (phản hồi - response). Phản hồi này sẽ được GV củng cố bằng thưởng (ví dụ: điểm cao) hoặc phạt (ví dụ điểm thấp), từ đó HS sẽ tiếp tục thực hiện hành vi hoặc điều chỉnh hành vi này.
Ưu điểm: việc dạy học được đồng bộ, tiết kiệm thời gian lên kế hoạch giảng dạy. Nhược điểm: không quan tâm đến quá trình xử lí thông tin của não bộ, do đó không thể phát triển năng lực tư duy của HS.
Thuyết hành vi được ứng dụng trong dạy học qua các phương pháp sau (Agarkar, 2019):
Thuyết giảng (transmission of information): GV thuyết trình bài giảng, HS lắng nghe và ghi nhớ kiến thức, tái hiện kiến thức trong bài kiểm tra. Việc minh hoạ lí thuyết bằng các phương tiện trực quan nhưng không chú trọng kĩ năng và tư duy bậc cao thì vẫn được xem là áp dụng thuyết hành vi.
Khoá học trên máy tính (Computer-based learning), bao gồm các Khoá học online và Mô hình lớp học đảo ngược (Flipped classroom): HS xem các bài giảng được quay sẵn, tự luyện tập và tự đánh giá (bằng bài kiểm tra quy chiếu tiêu chí) để tái hiện và củng cố kiến thức. Phương pháp này hiện nay vẫn có hiệu quả nhất định với những HS đã có các năng lực tư duy cần thiết (năng lực tự học, năng lực phân tích và giải quyết vấn đề...).
Cá nhân mình cho rằng thuyết này phù hợp với mục tiêu "luyện thi", áp dụng tốt với các đối tượng HS đã có năng lực tự học và các kĩ năng cần thiết. Ngoài ra có thể áp dụng để điều chỉnh hành vi phẩm chất của HS, đặc biệt qua cơ chế thưởng-phạt. Tuy nhiên thuyết hành vi không phù hợp để phát triển năng lực, tư duy và sở thích của HS.
Thuyết Nhận thức (Cognitivism)
Nội dung thuyết Nhận thức nhấn mạnh vai trò của não bộ con người trong học tập, là nơi xử lí thông tin vào và ra, chứ không chỉ quan tâm đến kích thích và phản hồi như thuyết Hành vi. Dạy học là quá trình làm cho kiến thức mới kết nối với tri thức cũ một cách có ý nghĩa với người học, từ đó giúp người học tiếp nhận kiến thức vào "bản đồ nhận thức" của chính họ. Để làm được điều này, các bài giảng cần phù hợp với đặc điểm tâm lý của mỗi lứa tuổi. (Agarkar, 2019)
Thuyết Nhận thức ứng dụng trong dạy học: Kiến thức mới cần được kết nối với các kiến thức cũ, do đó các bài giảng cần được sắp xếp tuyến tính (step-by-step manner), từ tổng quát đến chi tiết. Một số phương pháp vận dụng thuyết Nhận thức như:
Đàm thoại gợi mở (Socrate method): GV đặt các câu hỏi, kết nối với tri thức cũ để dẫn dắt HS đến tri thức mới.
Dạy học khám phá (ở cấp độ thấp, GV thực hiện thí nghiệm)
Các phần mềm học tập tương tác trên máy tính, HS không chỉ nghe giảng mà phải thường xuyên tham gia tương tác với phần mềm để trả lời câu hỏi dẫn dắt. Mô hình lớp học đảo ngược nên sử dụng các phần mềm này để phát triển các kĩ năng tư duy cho HS (tham khảo bài giảng e-learning Phản ứng toả nhiệt-thu nhiệt).
Thuyết Kiến tạo (Constructivism)
Nội dung thuyết kiến tạo: Kiến thức được hình thành từ trải nghiệm và sự tương tác của cá nhân với thế giới, nhấn mạnh việc học tập qua hoạt động thực tiễn (learn by doing) và vai trò tích cực của HS (student-centered). GV chỉ đóng vai trò hỗ trợ, tạo điều kiện để HS trải nghiệm, qua đó tiếp nhận được tri thức.
Thuyết học tập này là nền tảng cho quan điểm dạy học tích cực (active learning), dạy học lấy HS làm trung tâm (student-centered approach), được vận dụng trong nhiều phương pháp và kĩ thuật dạy học hiện đại: Dạy học khám phá (inquiry-based), Dạy học giải quyết vấn đề (problem-based), Dạy học dự án (project-based), Dạy học hợp tác (collaborative)... (Agarkar, 2019)
1.1.2. Các quan điểm dạy học hiện đại
Dạy học tích cực (Active learning)
Các phương pháp dạy học theo quan điểm dạy học tích cực khuyến khích người học tham gia các hoạt động học tập bằng việc suy nghĩ, thảo luận, khám phá, sáng tạo. Các hoạt động này bao gồm luyện tập kĩ năng, giải quyết vấn đề và các câu hỏi phức hợp, giải thích ý tưởng bằng lời nói, văn viết và thực hiện (say, write and do).
Dạy học tích cực giúp HS phát triển được các năng lực nhận thức bậc cao theo thang Bloom (phân tích, đánh giá, sáng tạo) và các kĩ năng mềm (giao tiếp, hợp tác...), giúp HS tập trung vào bài học...
Một số điều cần lưu ý trong dạy học tích cực (Cornell University, 2023):
Các hoạt động cần đáp ứng mục tiêu dạy học.
So với phương pháp giảng dạy truyền thống (thuyết giảng), dạy học tích cực đòi hỏi thời gian nhiều hơn để thực hiện các hoạt động, do đó lượng kiến thức cần được tinh giản để phù hợp thời gian ở lớp. Cách giải quyết vấn đề này là yêu cầu HS tìm hiểu một phần kiến thức cơ bản ở nhà trước giờ học, đảm bảo có các bài quiz để đánh giá HS (ví dụ mô hình lớp học đảo ngược).
Các phương pháp dạy học tích cực có thể sử dụng xen kẽ với thuyết giảng, không nhất thiết phải áp dụng cho toàn bộ bài giảng, nhằm tận dụng được ưu điểm của cả 2 quan điểm và phù hợp thực tiễn lớp học.
Cần có các kĩ thuật giúp đảm bảo HS tham gia tích cực vào các hoạt động: tính điểm thưởng, quà, các bài kiểm tra đánh giá thường xuyên cuối hoạt động.
Khi HS hoạt động, GV cần quan sát, đánh giá, tương tác và hỗ trợ HS. Sau khi hoạt động, GV cần tổng kết kiến thức và đánh giá, phản hồi cho HS.
Dạy học lấy học sinh làm trung tâm (Student-centered learning)
Đối với quan điểm dạy học lấy học sinh làm trung tâm (SCL), HS và GV hợp tác quyết định và xây dựng kế hoạch học tập phù hợp nhu cầu của bản thân HS. Các thành tố của quan điểm này bao gồm:
Voice and Choice: HS được quyết định kế hoạch học tập phù hợp nhu cầu cá nhân, lựa chọn các phương thức học tập và đánh giá (what, how, when and where to learn). Điều này giúp liên kết động lực nội tại của HS với việc học tập.
Competency-based learning (Dạy học theo năng lực, CBL): tiến trình học tập của mỗi HS sẽ khác nhau, nhưng chất lượng được đảm bảo dựa vào khung năng lực chuẩn đã được xây dựng. Các phương pháp dạy học theo CBL sẽ đáp ứng SCL.
Continuous Monitoring of Student Needs (Theo dõi liên tục nhu cầu HS): nhà giáo dục cần liên tục theo dõi sự thay đổi nhu cầu của HS để điều chỉnh, cải tiến chương trình và trải nghiệm học tập.
(Harrington & DeBruler, 2019)
Hệ thống giáo dục theo tín chỉ ở các trường đại học (Choice Based Credit System) được xây dựng dựa trên quan điểm này.
Dạy học phát triển năng lực (Competency-based learning)
Năng lực là thuộc tính cá nhân
Được hình thành, phát triển nhờ tố chất sẵn có và quá trình học tập, rèn luyện
Cho phép con người huy động tổng hợp các kiến thức, kĩ năng và các thuộc tính cá nhân khác như hứng thú, niềm tin, ý chí,... → Thực hiện thành công một loại hoạt động nhất định, đạt kết quả mong muốn trong những điều kiện cụ thể. (Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2018)
Dạy học phát triển năng lực tập trung vào khả năng hoàn thành các yêu cầu đầu ra của HS. Việc đánh giá HS cũng dựa vào các tiêu chuẩn năng lực đã đặt ra. (Henry et. al., 2017)
Do đặc điểm của "năng lực" mang tính "tổng hợp" và "thực thi", để phát triển năng lực cho HS thì GV cần sử dụng các phương pháp dạy học theo các định hướng sau:
Quan điểm kiến tạo (Constructive approach): DH giải quyết vấn đề, DH khám phá, DH dự án, DH dựa trên thảo luận (discussion-based),...
Quan điểm hợp tác (Collaborative approach): Học theo nhóm (group work), kĩ thuật Jigsaw, team-based learning, tranh biện...
Quan điểm tích hợp (Integrative approach): STEM, DH dự án (khi kết hợp nhiều môn học)
(Minh & Hoa, 2020)
STEM/STEAM/BSTEAM
Updating...
Tài liệu tham khảo
Agarkar, S. C. (2019). Influence of learning theories on science education. Resonance, 24(8), 847-859.
Anthony, E.M. (1963). Approach, Method and Technique. English Language Teaching, 17.
Center for Teaching Innovation - Cornell University (2023). Active Learning. Retrieved from https://teaching.cornell.edu/teaching-resources/active-collaborative-learning/active-learning
Harrington, C. & DeBruler, K. (2019, October 22). What Exactly IS Student-Centered Learning? [Blog post]. https://michiganvirtual.org/blog/what-exactly-is-student-centered-learning/
Henri, M., Johnson, M. D., & Nepal, B. (2017). A review of competency‐based learning: Tools, assessments, and recommendations. Journal of Engineering Education, 106(4), 607-638. doi:10.1002/jee.20180
Jacobs, G. M., Renandya, W. A., & Power, M. (2016). Simple, powerful strategies for student centered learning. Cham: Springer International Publishing.
Thai Hoai Minh and Dao Thi Hoang Hoa (2020). Foundation on theory and methodology of teaching chemistry. Ho Chi Minh city.