Thiết kế dạy học
Tiến trình thiết kế bài dạy có sử dụng thí nghiệm dựa trên mô hình ADDIE.
PHÂN TÍCH (ANALYZE)
1. Xác định đặc điểm đối tượng học
Đánh giá mức độ nhận thức của HS, kĩ năng thực hành của HS, từ đó có thể lựa chọn phương pháp và mô hình dạy học phù hợp.
HS có năng lực tư duy cao: nên sử dụng các phương pháp đòi hỏi tư duy suy luận cao (HS đề xuất giả thuyết, phương án giải quyết, tự thực hiện thí nghiệm và kiểm chứng).
HS có năng lực tư duy chưa cao: GV hỗ trợ các bước đề xuất, quy trình thí nghiệm, tăng cường hoạt động chuẩn bị trước buổi học.
2. Xác định nội dung dạy học
CT2018 không có các bài thực hành riêng như CT2006, thay vào đó là yêu cầu cần đạt. Thí nghiệm có thể được sử dụng trong các yêu cầu cần đạt sau:
a) YCCĐ "HS thực hiện được thí nghiệm...": có 3 hướng tiếp cận
Lồng ghép vào hoạt động Tìm hiểu kiến thức mới (kết hợp với YCCĐ thuộc năng lực nhận thức hoá học): GV thiết kế bài dạy để HS tự tay thực hiện thí nghiệm, từ đó dẫn dắt đến kiến thức mới.
Sử dụng trong hoạt động Luyện tập (sau hoạt động Tìm hiểu kiến thức mới): GV thiết kế bài dạy để HS tự tay thực hiện thí nghiệm nhằm minh hoạ và kiểm chứng kiến thức đã học.
Tập hợp các YCCĐ "thực hiện được thí nghiệm..." vào 1-2 tiết học (như một bài thực hành, dưới dạng hoạt động luyện tập)
b) Các YCCĐ về nhận thức hoá học
GV có thể sử dụng thí nghiệm để biểu diễn cho HS xem, hoặc cho HS thực hiện thí nghiệm như một bước trong hoạt động tìm hiểu kiến thức mới.
Do không có YCCĐ "HS thực hiện được..." nên không bắt buộc sử dụng thí nghiệm thực tế (có thể ứng dụng ICT), và không nhất thiết phải là HS thực hiện.
3. Xác định phương tiện, cơ sở vật chất
Các thí nghiệm nguy hiểm hoặc không vệ sinh phải thực hiện trên lab.
Các thí nghiệm đơn giản, không nguy hiểm (không có hoá chất độc, không đun nóng) có thể thực hiện ở lớp dưới dạng thí nghiệm lượng nhỏ.
THIẾT KẾ (DESIGN)
A. Xác định loại hoạt động học sử dụng thí nghiệm
1. Hoạt động mở đầu
GV sử dụng thí nghiệm vui, có hiện tượng độc đáo và thú vị, có liên quan đến bài học, nhằm gây hứng thú cho HS.
Sử dụng thí nghiệm và dẫn dắt tạo ra mâu thuẫn nhận thức, kích thích tính tò mò của HS. Có thể đặt ra câu hỏi lớn đầu bài, sau khi tìm hiểu kiến thức mới GV yêu cầu HS vận dụng để trả lời câu hỏi đầu bài.
Mục tiêu của hoạt động mở đầu (theo CV5512/BGD-ĐT): HS xác định được vấn đề/nhiệm vụ cụ thể cần giải quyết trong bài học hoặc xác định rõ cách thức giải quyết vấn đề/thực hiện nhiệm vụ trong các hoạt động tiếp theo của bài học
Tái hiện kiến thức nền tạo sự kết nối với bài học
Tạo ra các tình huống/vấn đề để giới thiệu mục tiêu, nội dung bài học
Yêu cầu của hoạt động mở đầu (theo CV5555/BGD-ĐT):
Tình huống mở đầu gần gũi với kinh nghiệm sống của HS và chỉ có thể được giải quyết một phần hoặc phỏng đoán được kết quả nhưng chưa lí giải được đầy đủ bằng kiến thức/kĩ năng cũ
Đặt ra được vấn đề/câu hỏi chính của bài học
Ví dụ: GV đố HS cho nước phun vào bình khí mà không dùng pipette, sau đó thực hiện thí nghiệm tính tan của ammonia (ammonia fountain experiment), đưa ra câu hỏi "Đây là khí gì? Tính chất như thế nào?", dẫn dắt vào các nhiệm vụ học tập của bài Ammonia.
2. Hoạt động tìm hiểu kiến thức
GV sử dụng thí nghiệm để hình thành kiến thức mới cho HS. Thí nghiệm được sử dụng phù hợp với mục tiêu, phương pháp và mô hình dạy học, quy tắc an toàn và cơ sở vật chất.
GV cần sử dụng thí nghiệm theo
Phương pháp nghiên cứu: tương tự dạy học khám phá hoặc dạy học giải quyết vấn đề. Sử dụng hướng này khi dễ dàng tạo các mâu thuẫn nhận thức, hoặc liên hệ các vấn đề thực tiễn, HS có khả năng dự đoán hiện tượng từ kiến thức nền trước đó.
Phương pháp minh hoạ (kiểm chứng): tương tự đàm thoại gợi mở, ưu tiên sử dụng đối với các thí nghiệm HS khó dự đoán kết quả từ các kiến thức nền trước đó.
Yêu cầu của thí nghiệm sử dụng trong hoạt động tìm hiểu:
Thí nghiệm cần đơn giản, không đòi hỏi thao tác phức tạp, khả năng thành công 100%.
Tập trung xây dựng câu hỏi dẫn dắt, kết nối vấn đề + hiện tượng + kiến thức mới
GV hướng dẫn quy trình, lưu ý thao tác và quy định an toàn trước khi làm thí nghiệm
Tiến trình: thực hiện thí nghiệm --> hiện tượng thí nghiệm --> kiến thức mới (bao gồm phương trình hoá học). Lưu ý mô tả rõ hiện tượng thí nghiệm, giải thích hiện tượng để kết nối với kiến thức mới.
3. Hoạt động luyện tập
Mục tiêu của hoạt động luyện tập (CV5512): HS vận dụng kiến thức đã học và yêu cầu phát triển các kĩ năng vận dụng kiến thức cho học sinh (trong đó có kĩ năng thực hành).
GV sử dụng thí nghiệm để HS minh hoạ, kiểm chứng, vận dụng kiến thức đã học. Định hướng sử dụng thí nghiệm:
Đàm thoại gợi mở và Dạy học khám phá: GV nhắc lại/ôn tập kiến thức đã học --> HS thực hiện thí nghiệm kiểm chứng --> Kết luận.
Dạy học giải quyết vấn đề: GV (có thể ôn kiến thức nền trước), đưa vấn đề (nhận biết chất, giải quyết vấn đề thực tiễn,...) --> HS đề xuất phương án, GV thống nhất --> HS thực hiện thí nghiệm để giải quyết --> Kết luận.
Yêu cầu của thí nghiệm sử dụng trong hoạt động tìm hiểu:
Cần có bước hệ thống kiến thức nền tảng (trước hoặc sau khi thí nghiệm).
Có thể yêu cầu HS đề xuất thí nghiệm, dự đoán hiện tượng, viết phương trình hoá học trước khi thí nghiệm.
GV thống nhất quy trình, lưu ý thao tác và quy định an toàn trước khi làm thí nghiệm.
HS báo cáo hiện tượng, giải thích hiện tượng, viết phương trình hoá học dựa trên kiến thức đã học.
B. Xác định các bước trong tiến trình dạy học
1. Đàm thoại gợi mở
GV đưa ra hệ thống câu hỏi, từ đó HS có thể tư duy, suy luận, trình bày, tranh luận (GV-HS, HS-HS) để tìm ra câu trả lời phù hợp, qua đó hình thành khái niệm.
Bước 1: (Giao nhiệm vụ học tập) GV đặt câu hỏi cho cả lớp sau khi thực hiện thí nghiệm
Lựa chọn và sắp xếp hợp lí hệ thống câu hỏi: chia các vấn đề phức tạp thành nhiều vấn đề đơn giản nhỏ hơn, tuỳ thuộc vào trình độ tư duy của HS.
Các câu hỏi phải có sự kết nối với nhau, kết thúc chuỗi câu hỏi thì HS phải gắn kết được mạch tư duy từ đầu đến cuối.
Các câu hỏi phải rõ ràng, mức độ khó phải phù hợp: nếu quá khó thì HS không suy nghĩ được, nếu quá dễ thì HS không vận dụng tư duy.
Đảm bảo rằng tất cả HS đều nghe rõ câu hỏi, có thể lặp lại câu hỏi hoặc yêu cầu HS nhắc lại câu hỏi.
Bước 2: (HS thực hiện nhiệm vụ) HS suy nghĩ câu trả lời
Có thể yêu cầu HS viết ra giấy, hoặc dùng kĩ thuật think-pair-share.
Dành thời gian hợp lí đủ để HS suy nghĩ.
Bước 3: (HS báo cáo) GV chỉ định một vài HS trả lời, tranh luận đáp án
Nếu HS chưa trả lời được thì đặt các câu hỏi khác đơn giản hơn, GV không trả lời ngay.
Khiến tất cả HS đều phải tham gia: yêu cầu HS viết câu trả lời ra giấy, yêu cầu nhận xét và so sánh câu trả lời với bạn, bình chọn câu trả lời, kết hợp các kĩ thuật DH hợp tác.
GV cần nhắc lại câu trả lời của HS cho cả lớp.
GV cần tỏ ra hài lòng với câu trả lời của HS, khen ngợi câu trả lời đúng, không được trách câu trả lời chưa đúng → giải thích lí do hoặc đặt thêm câu hỏi để HS phản biện câu trả lời của chính mình.
Có thể áp dụng kĩ thuật công não (brainstorm): yêu cầu HS xung phong phát biểu lấy điểm cộng (hoặc HS phát biểu liên tục theo thứ tự nào đó), mỗi HS nêu 1 ý; hoặc cả lớp nhắn tin/dán câu trả lời lên bảng.
Bước 4: (GV tổng kết, đánh giá) GV kết luận đáp án sau mỗi câu hỏi/vấn đề
Khi giải quyết xong mỗi câu hỏi/vấn đề: GV cần kết luận lại kết quả, khéo léo dựa vào ngôn ngữ của HS + kiến thức chính xác.
2. Dạy học khám phá
HS tự tìm tòi ra kiến thức thông qua các hoạt động đề xuất giả thuyết, kiểm chứng giả thuyết, kết luận để đưa ra đáp án cho câu hỏi khám phá được đặt ra ở đầu.
Bước 1: (Giao nhiệm vụ)
Đưa ra câu hỏi khám phá (investigating question): câu hỏi có thể từ thực tiễn hoặc lí thuyết
Yêu cầu HS đề xuất giả thuyết, đề xuất thí nghiệm kiểm chứng, thực hiện thí nghiệm để kiểm tra giả thuyết.
Bước 2: (HS thực hiện nhiệm vụ)
Đề xuất giả thuyết: HS đề xuất giả thuyết, GV có thể đặt các câu hỏi gợi ý.
Đề xuất phương án kiểm chứng: Sử dụng thí nghiệm (có thể thí nghiệm chuẩn, thí nghiệm lượng nhỏ, thí nghiệm ảo, video, do HS hoặc GV làm), sử dụng phần mềm mô phỏng.
GV cần thống nhất phương án phù hợp, nêu rõ quy trình thí nghiệm, lưu ý an toàn, nội dung và sản phẩm (ghi nhận hiện tượng...) của hoạt động.
HS thực hiện thí nghiệm, ghi nhận hiện tượng, đối chiếu giả thuyết và kết luận (GV có thể đặt nhiều câu hỏi để dẫn dắt HS).
Bước 3: (HS báo cáo sản phẩm)
HS báo cáo sản phẩm hoạt động: tuỳ vào mục tiêu mà sản phẩm có thể là:
Hiện tượng và kết luận của HS (khi mục tiêu chủ yếu về năng lực nhận thức)
HS biểu diễn lại thí nghiệm (nhằm đánh giá và lưu ý HS về thao tác thực hành, khi mục tiêu có năng lực thực hành).
Bước 4: (GV kết luận, nhận xét): GV kết luận câu trả lời cho câu hỏi khám phá và các kiến thức liên quan.
3. Dạy học giải quyết vấn đề
Dạy học giải quyết vấn đề (problem-based learning) có các đặc điểm sau:
HS được đặt vào tình huống có vấn đề, thực tiễn, hướng mở (có nhiều phương án có thể lựa chọn): các vấn đề lí thuyết không được xem là DH GQVĐ.
HS không chỉ học kiến thức mà học cách (con đường) phát hiện và giải quyết vấn đề.
Các bước dạy học:
Bước 1: (Giao nhiệm vụ) Nhận biết và phát biểu vấn đề
Vấn đề được chọn phải là vấn đề thực tiễn: xuất phát từ cuộc sống, từ các thí nghiệm.
GV dẫn dắt HS vào vấn đề hoặc dẫn dắt (nêu tình huống) để HS tự phát biểu ra vấn đề: GV cần kết nối với các kiến thức cũ của HS để đưa HS vào mâu thuẫn nhận thức
Vấn đề cần đủ phức tạp, tương xứng với 1 cá nhân hoặc 1 nhóm HS.
Vấn đề có thể được đặt ra ở hoạt động mở đầu, xuyên suốt và gắn kết các hoạt động tiếp theo, để cuối cùng sau tất cả các hoạt động thì HS có thể giải quyết được vấn đề.
Sau khi đưa ra vấn đề, GV yêu cầu HS đề xuất kế hoạch giải quyết, đưa ra giả thuyết, thực hiện thí nghiệm kiểm chứng
Bước 2: (HS thực hiện nhiệm vụ)
Lập kế hoạch giải quyết vấn đề
HS tự đề xuất hoặc GV đề nghị một vài cách tìm hướng giải quyết.
Kế hoạch giải quyết vấn đề (giả thuyết) có thể là: tìm đọc tài liệu (SGK, sách tham khảo), tìm kiếm trên Internet (GV cần có hướng dẫn cụ thể về cách thức tìm kiếm trên Internet, các nguồn tin cậy…), đề xuất việc sử dụng thí nghiệm, phần mềm mô phỏng…
HS thực hiện kế hoạch
Sau khi có hướng giải quyết, HS thực hiện thí nghiệm, dùng phần mềm mô phỏng… để kiểm chứng giải pháp đã đề ra.
Lưu ý: việc sử dụng thí nghiệm trong DH GQVĐ là để kiểm chứng giải pháp, từ đó xác nhận giải pháp có phù hợp hay không, trong khi ở DHKP thì việc sử dụng thí nghiệm để kiểm chứng giả thuyết, nhằm giải đáp câu hỏi được đặt ra ban đầu gắn với thí nghiệm đó.
Bước 3: (HS báo cáo sản phẩm)
HS báo cáo, thảo luận: bằng hình thức seminar, thuyết trình…
Bước 4: (GV đánh giá, kết luận)
GV hướng dẫn HS rút ra kết luận phù hợp với kiến thức môn học.
Lưu ý: Không nhất thiết HS phải có thể tham gia đủ hết 4 bước trên, GV có thể thiết kế cho HS tham gia tuỳ vào mức độ khác nhau:
C. Xác định hình thức sử dụng thí nghiệm
Thí nghiệm tiêu chuẩn: cần đảm bảo các nguyên tắc an toàn về thực hành thí nghiệm
Thí nghiệm lượng nhỏ: tham khảo về thí nghiệm lượng nhỏ của Phạm Đỗ Minh Thư (thí nghiệm lượng nhỏ lớp 11), và Nhi Pham (thí nghiệm lượng nhỏ lớp 12)
Thí nghiệm ảo: xem ứng dụng ICT
VÍ DỤ MINH HOẠ
VÍ DỤ 1
Yêu cầu cần đạt: Trình bày được các dạng ăn mòn kim loại (Lớp 12/Đại cương về kim loại/Sự ăn mòn kim loại)
Phân tích YCCĐ: HS đã học về dãy điện hoá và pin điện hoá, khái niệm về sự ăn mòn kim loại; YCCĐ về nhận thức hoá học, không bắt buộc HS thực hiện được thí nghiệm.
Hướng 1: Hoạt động tìm hiểu kiến thức - PP đàm thoại gợi mở
Giao nhiệm vụ: GV yêu cầu HS xem GV thực hiện thí nghiệm (hoặc GV hướng dẫn HS thực hiện thí nghiệm) (thí nghiệm 1), lần lượt trả lời các câu hỏi dẫn dắt của GV.
HS thực hiện nhiệm vụ: HS suy nghĩ và trả lời các câu hỏi của GV
HS báo cáo nhiệm vụ: GV mời ngẫu nhiên một vài HS trả lời từng câu hỏi, có thể lên bảng trình bày nếu cần ghi phương trình hoá học.
(1) Sau khi GV cho viên kẽm vào dung dịch hydrochloric acid, phản ứng gì đã xảy ra? Viết phương trình phản ứng xảy ra. —> GV dẫn dắt: viên kẽm đang bị phá huỷ, tức là đang bị ăn mòn. Trong trường hợp này, electron từ viên kẽm chuyển trực tiếp cho H+.
(2) Sau khi cho dung dịch CuSO4 vào ống nghiệm 2, hãy so sánh tốc độ khí thoát ra trong 2 ống nghiệm. Phản ứng gì đã xảy ra?
(3) Kim loại đồng sinh ra bám lên viên kẽm, lúc này hình thành một hệ thống gồm 2 kim loại tiếp xúc nhau, cùng nhúng vào dung dịch chất điện li, gọi là gì? —> Pin điện hoá, electron di chuyển từ cực kẽm sang cực đồng, chuyển cho H+. Khi đó kẽm vừa nhường electron trực tiếp cho H+, vừa gián tiếp qua đồng, nên tốc độ thoát khí nhanh hơn.
Trong cả 2 trường hợp, viên kẽm đều bị ăn mòn, nhưng cơ chế khác nhau. Trường hợp kẽm nhường electron trực tiếp cho H+ gọi là ăn mòn hoá học, còn trường hợp nhường electron gián tiếp qua đồng gọi là ăn mòn điện hoá.
GV tổng kết, đánh giá: GV kết luận 2 dạng ăn mòn kim loại, đặc điểm của mỗi dạng.
Hướng 2: Hoạt động tìm hiểu kiến thức - PP dạy học khám phá (5E)
Giao nhiệm vụ: (Engage)
GV đưa ví dụ về ăn mòn kim loại (các vật dụng bằng kẽm bị phá huỷ khi tiếp xúc với acid), đưa ra câu hỏi khám phá: “Tốc độ ăn mòn kẽm sẽ như thế nào nếu trong dung dịch acid có mặt copper(II) sulfate?”
GV yêu cầu HS dự đoán câu trả lời, đề xuất thí nghiệm kiểm chứng.
GV thống nhất thí nghiệm, hướng dẫn HS thực hiện thí nghiệm, yêu cầu HS ghi nhận hiện tượng và đối chiếu giả thuyết.
HS thực hiện nhiệm vụ: (Explore)
HS dự đoán câu trả lời, đề xuất thí nghiệm
HS thực hiện thí nghiệm, ghi nhận hiện tượng, viết phương trình phản ứng
HS đối chiếu với giả thuyết và kết luận.
HS báo cáo sản phẩm: GV mời một vài HS trình bày hiện tượng thí nghiệm, phương trình phản ứng, nêu kết luận cho câu hỏi khám phá.
GV kết luận và đánh giá:
(Explain) GV dẫn dắt HS giải thích hiện tượng: khi đồng sinh ra bám lên kẽm, pin điện hoá hình thành, electron di chuyển từ cực kẽm sang cực đồng, chuyển cho H+. Khi đó kẽm vừa nhường electron trực tiếp cho H+, vừa gián tiếp qua đồng, nên tốc độ thoát khí nhanh hơn.
GV kết luận khái niệm về 2 dạng ăn mòn: Trong cả 2 trường hợp, viên kẽm đều bị ăn mòn, nhưng cơ chế khác nhau. Trường hợp kẽm nhường electron trực tiếp cho H+ gọi là ăn mòn hoá học, còn trường hợp nhường electron gián tiếp qua đồng gọi là ăn mòn điện hoá.
GV dẫn dắt HS nêu các đặc điểm, điều kiện của 2 dạng ăn mòn.
(Elaborate và Evaluate) GV yêu cầu HS thảo luận theo cặp để xác định dạng ăn mòn của thiết bị bằng sắt tiếp xúc với khí chlorine và hiện tượng gỉ của thép trong không khí ẩm.
VÍ DỤ 2
Yêu cầu cần đạt: Thực hiện được (hoặc quan sát qua video) thí nghiệm ăn mòn điện hoá đối với sắt và thí nghiệm bảo vệ sắt bằng phương pháp điện hoá. (Lớp 12/Đại cương về kim loại/Sự ăn mòn kim loại)
Phân tích YCCĐ: HS đã học về dãy điện hoá và pin điện hoá, khái niệm về sự ăn mòn kim loại, 2 dạng ăn mòn; YCCĐ về không bắt buộc HS thực hiện được thí nghiệm, có thể thay thế bằng video.
Các hoạt động tìm hiểu kiến thức: kết hợp với YCCĐ "Trình bày được các phương pháp chống ăn mòn kim loại."
Hướng 1: Hoạt động tìm hiểu kiến thức - PP dạy học khám phá
Giao nhiệm vụ:
GV nhắc lại về điều kiện ăn mòn (kim loại phải tiếp xúc môi trường), dẫn dắt HS nêu các phương pháp bảo vệ bề mặt.
GV đưa ví dụ về bảo vệ tàu thép (hợp kim của sắt) bằng miếng kim loại khác mà không cần phủ kín bề mặt, đặt ra câu hỏi khám phá: "Kim loại gắn trên thép có thể là kim loại gì, và tại sao không cần phủ kín bề mặt mà vẫn bảo vệ được?"
GV giới thiệu hoá chất (đinh sắt, HCl, các dây kim loại Zn, Cu), yêu cầu HS đề xuất thí nghiệm kiểm chứng, dự đoán hiện tượng. GV kết luận quy trình thí nghiệm (có K3[Fe(CN)6] để nhận biết Fe2+), yêu cầu HS thực hiện thí nghiệm, ghi nhận hiện tượng, trả lời câu hỏi khám phá, giải thích.
HS thực hiện nhiệm vụ: HS đề xuất thí nghiệm, dự đoán hiện tượng; thực hiện thí nghiệm, ghi nhận hiện tượng, giải thích và trả lời câu hỏi khám phá. GV quan sát, hỗ trợ HS.
HS báo cáo nhiệm vụ: GV mời một số nhóm HS báo cáo kết quả.
GV tổng kết, đánh giá: GV giải thích hiện tượng và kết luận phương pháp bảo vệ điện hoá.
Hướng 2: Hoạt động tìm hiểu kiến thức - PP dạy học giải quyết vấn đề
Giao nhiệm vụ:
GV nêu tình huống: Hãy tưởng tượng em là giám đốc công ty sản xuất tàu biển bằng thép, em sẽ cần nghĩ đến những lo ngại nào khi tàu thép của công ty em tiếp xúc với nước biển? —> HS nêu các vấn đề, GV chọn vấn đề ăn mòn để giải quyết: Làm thế nào để bảo vệ tàu khỏi sự ăn mòn bởi nước biển?
GV yêu cầu HS (thảo luận nhóm) đề xuất phương án giải quyết, đa số HS nêu được các phương pháp sơn, mạ... —> GV kết luận phương pháp bảo vệ bề mặt.
GV đề xuất phương án dùng một kim loại gắn lên vỏ tàu, dẫn dắt HS giải thích vai trò (2 kim loại tiếp xúc nhau tạo pin điện hoá), dự đoán đặc điểm của kim loại (mạnh/yếu hơn sắt).
GV yêu cầu HS đề xuất thí nghiệm kiểm chứng, GV chốt quy trình thí nghiệm, yêu cầu HS thực hiện thí nghiệm, ghi nhận hiện tượng, đối chiếu giả thuyết và kết luận.
HS thực hiện nhiệm vụ: HS đề xuất thí nghiệm, dự đoán hiện tượng; thực hiện thí nghiệm, ghi nhận hiện tượng, giải thích và trả lời câu hỏi vấn đề. GV quan sát, hỗ trợ HS.
HS báo cáo nhiệm vụ: GV mời một số nhóm HS báo cáo kết quả.
GV tổng kết, đánh giá: GV kết luận phương án cho vấn đề và phương pháp bảo vệ điện hoá.
Hướng 3: Hoạt động luyện tập - PP dạy học giải quyết vấn đề
Giao nhiệm vụ:
GV nêu tình huống: Hãy tưởng tượng em là giám đốc công ty sản xuất tàu biển bằng thép, em sẽ cần nghĩ đến những lo ngại nào khi tàu thép của công ty em tiếp xúc với nước biển? —> HS nêu các vấn đề, GV chọn vấn đề ăn mòn để giải quyết: Làm thế nào để bảo vệ tàu khỏi sự ăn mòn bởi nước biển?
GV yêu cầu HS (thảo luận nhóm) đề xuất phương án giải quyết dựa vào các phương pháp bảo vệ ăn mòn đã học, giải thích cụ thể từng phương pháp (GV hệ thống câu trả lời trên bảng).
GV yêu cầu HS đề xuất thí nghiệm kiểm chứng, GV chốt quy trình thí nghiệm, lưu ý thao tác, yêu cầu HS thực hiện thí nghiệm, ghi nhận hiện tượng, đối chiếu giả thuyết và kết luận.
HS thực hiện nhiệm vụ: HS đề xuất thí nghiệm, dự đoán hiện tượng; thực hiện thí nghiệm, ghi nhận hiện tượng, giải thích và trả lời câu hỏi vấn đề. GV quan sát, hỗ trợ HS.
HS báo cáo nhiệm vụ: GV mời một số nhóm HS báo cáo kết quả.
GV tổng kết, đánh giá: GV kết luận phương án cho vấn đề, đánh giá.
ĐÁNH GIÁ
Checklist đánh giá bài dạy có sử dụng thí nghiệm (Thái Hoài Minh, 2022)
Thí nghiệm đáp ứng YCCĐ CT2018
Bố trí thí nghiệm hợp lý, khoa học
Kĩ năng thực hiện thí nghiệm chuẩn xác, thành thạo
Mục tiêu hoạt động rõ ràng, đáp ứng YCCĐ; nội dung, sản phẩm hoạt động rõ ràng
Việc sử dụng thí nghiệm tích cực hoá hoạt động HS, phát triển năng lực người học
Chuyển giao nhiệm vụ rõ ràng, hấp dẫn
Theo dõi, quan sát, hỗ trợ HS kịp thời
Tổng hợp, phân tích, đánh giá hoạt động của HS phù hợp và hiệu quả