1.4. Ví dụ về kế hoạch bài dạy
Kế hoạch bài dạy "Phản ứng thu nhiệt-toả nhiệt" thuộc chủ đề Năng lượng hoá học (Lớp 10)
Mô tả các bước xây dựng KHBD theo ADDIE
Bước Phân tích (Analyze)
Trong bước này, tôi đã lần lượt xác định các yếu tố sau:
Nội dung bài học: nội dung bài “Phản ứng toả nhiệt – thu nhiệt” được xác định dựa trên các yêu cầu cần đạt quy định trong CTGDPT môn Hoá học 2018, là “Trình bày được khái niệm phản ứng toả nhiệt, thu nhiệt”. Đây là một khái niệm tuy không quá khó, nhưng vẫn mang tính trừu tượng và là nền tảng để tiếp cận các khái niệm khó như biến thiên enthalpy, do vậy bài dạy cần giúp HS hiểu rõ và áp dụng được khái niệm này.
Đối tượng người học: là HS lớp 10 (16 tuổi), lứa đầu tiên học CTGD 2018 ở cấp THPT. Ở cấp THCS, các em được học theo chương trình 2006 tuy nhiên được sửa đổi để HS làm quen với hệ thống danh pháp mới. Do đó, nền tảng kiến thức hoá học của các em vẫn theo chương trình 2006, tuy nhiên cần lưu ý về việc HS có thể không nhớ và không nắm vững kiến thức THCS, vì thế những nội dung có liên quan kiến thức cũ có thể GV cần gợi nhắc lại để tránh tạo khoảng trống nhận thức quá lớn (problem space). Hơn nữa, ở lứa tuổi thiếu niên, HS có khả năng học được các khái niệm trừu tượng, tuy nhiên cần bắt đầu từ các hình ảnh cụ thể, trực quan dựa trên nền kiến thức có sẵn.
Mục tiêu của GV: tôi muốn sau bài học này, HS đạt được yêu cầu cần đạt của bài học, đồng thời phát triển được năng lực tư duy bậc cao, cũng như tăng hứng thú học tập.
Cơ sở vật chất lớp học: lớp học hiện tại có một TV 29-inch có khả năng kết nối máy tính hoặc máy tính bảng. Do màn hình không lớn nên khi sử dụng cần lưu ý sử dụng font chữ lớn để HS ngồi xa có thể theo dõi tốt.
Từ đó, tôi xác định những mục tiêu bài học này theo bảng bên cạnh.
Bước Thiết kế (Design)
Thời lượng dành cho chủ đề Năng lượng hoá học là 9-10 tiết, do đó tôi dự định dành 2 tiết để tổ chức bài dạy “Phản ứng toả nhiệt-thu nhiệt”, đã bao gồm hoạt động luyện tập và vận dụng. Do đó, tôi thiết kế bài dạy như sau:
Hình thức tổ chức: Dạy học trực tuyến hỗ trợ dạy học trực tiếp
Mô hình dạy học: mô hình Lớp học đảo ngược (Flipped classroom), gồm 2 giai đoạn:
+ Giai đoạn trực tuyến: sử dụng học liệu e-Learning để HS truy cập và tìm hiểu khái niệm mới. Học liệu e-Learning được xây dựng theo mô hình dạy học 5E, cuối bài giảng là bài kiểm tra nhằm đánh giá và thu thập thắc mắc của HS theo phương pháp Just-in-Time Teaching.
+ Giai đoạn trực tiếp: gồm các hoạt động Thảo luận và Vận dụng. Hoạt động Thảo luận là thời gian để GV củng cố kiến thức và giải đáp thắc mắc cho HS, đồng thời điều chỉnh những sai sót và nhầm lẫn. Hoạt động Vận dụng được tổ chức dạy học hợp tác, nhằm giúp HS vận dụng kiến thức để giải thích vấn đề thực tiễn, đồng thời làm nền tảng để dẫn dắt đến khái niệm enthalpy ở bài học kế tiếp.
Từ đó, tôi xây dựng chuỗi hoạt động học như bảng bên cạnh.
Bước Phát triển (Develop)
Để xây dựng được học liệu, trước tiên tôi tìm hiểu các nội dung sau:
Kiến thức chuyên ngành (trong môn Hoá lý) về chủ đề Năng lượng hoá học, nhằm xây dựng học liệu đảm bảo tính chính xác và khoa học.
Lý thuyết và các nghiên cứu về mô hình lớp học đảo ngược, mô hình 5E để đảm bảo xây dựng học liệu phù hợp các nguyên tắc dạy học.
Rubric đánh giá kế hoạch bài dạy (công văn 5555), rubric đánh giá mức độ sử dụng ICT trong học tập (Microsoft), rubric đánh giá học liệu e-Learning.
Sau đó tôi tiến hành tải phần mềm iSpring Suite 10 vào máy tính Windows, đăng kí bản dùng thử để sử dụng. Tôi xây dựng kế hoạch dạy học theo mô hình 5E và tiến hành thiết kế học liệu bằng Microsoft Powerpoint 365. Học liệu sau khi xây dựng xong sẽ được xuất bản ở dạng file html. Để HS có thể sử dụng, tôi sử dụng 2 phương thức dưới đây:
Tải file index.html và folder data lên Google Drive và gửi đường link để HS tải về máy tính (https://tinyurl.com/nhietphanung).
Sử dụng 1 web host (tôi sử dụng 000webhost), tải file index.html và folder data lên file manager của web host, tôi sẽ có website chạy file html. Lúc này chỉ cần gửi đường link web (https://nhgiakhanh.000webhostapp.com) cho HS, HS truy cập và học trực tiếp trên web, không cần tải về máy.
Ngoài ra tôi tìm tư liệu về một số phản ứng thu nhiệt, toả nhiệt ứng dụng trong đời sống (gói tự sôi trong các hộp lẩu, cơm tự sôi) để sử dụng cho hoạt động Vận dụng.