Công cụ ICT
Công nghệ thông tin (hay nói đầy đủ là Công nghệ thông tin và truyền thông – Information and Communications Technology, viết tắt là ICT) là tập hợp đa dạng các công cụ và tài nguyên công nghệ được sử dụng để giao tiếp, tạo ra, phổ biến, lưu giữ và quản lý thông tin - theo Blurton. Đặc biệt trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, việc sử dụng thành thạo và ứng dụng ICT một cách hợp lí trong giáo dục là một yêu cầu bắt buộc đối với giáo viên. Bài viết dưới đây sẽ đưa bạn đến gần hơn với ICT và dạy học hoá học.
Why...?
Vì sao cần ứng dụng ICT trong dạy học hoá học?
1. Ứng dụng ICT là xu thế bắt buộc trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã bắt đầu từ những năm đầu của thập kỉ trước, đặc biệt đợt bùng phát của dịch COVID-19 đã thúc đẩy cuộc cách mạng này xảy ra mạnh mẽ và toàn diện. Việc sử dụng internet vạn vật, big data và trí tuệ nhân tạo trong các lĩnh vực đang ngày càng phổ biến, góp phần giảm bớt sức nặng về nhân lực và tăng hiệu quả công việc.
Giáo dục cũng không nằm ngoài xu thế phát triển này. Không chỉ là các bài trình chiếu hay nội dung đa phương tiện, hiện nay công nghệ AR, VR hay thậm chí trí tuệ nhân tạo AI cũng đã được ứng dụng vào dạy học. Một số chuyên gia nhận định rằng, công nghệ AI được dự đoán sẽ thay thế hoàn toàn giáo viên trong vài thập kỉ nữa. Điều này có xảy ra hay không thì chúng ta vẫn chưa thể biết, tuy nhiên một điều chắc chắn rằng nếu giáo viên không học hỏi và cập nhật tri thức về công nghệ, một ngày nào đó chính chúng ta sẽ bị công nghệ đào thải.
2. Ứng dụng ICT giúp việc dạy và học hoá học dễ dàng và hiệu quả hơn
Hoá học là môn học nghiên cứu về sự biến đổi chất. Bản thân môn học này rất gần gũi với cuộc sống của học sinh, vì nó giúp học sinh giải thích được rất nhiều hiện tượng trong đời sống hằng ngày. Tuy nhiên, vì học về sự biến đổi chất ở cấp độ phân tử, điều mà con người không thể tận mắt nhìn thấy được, do vậy tính trừu tượng của môn học rất cao, khiến nhiều học sinh không hiểu, học vẹt để thi cử, dẫn đến rất ghét và sợ môn hoá.
Công nghệ có thể giúp giải quyết khó khăn này. Các phần mềm và thiết bị có thể cụ thể hoá các khái niệm trừu tượng, mô phỏng phân tử và các phản ứng hoá học, hỗ trợ học sinh trình bày ý tưởng giải quyết vấn đề... Do đó, việc ứng dụng ICT trong dạy học hoá học là vô cùng cần thiết để việc dạy và học hiệu quả hơn.
3. Ứng dụng ICT vào dạy học giúp học sinh phát triển năng lực
Năng lực sử dụng công nghệ thông tin là một trong tám năng lực chung bắt buộc mà học sinh phải đạt được khi hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông (theo CTGDPT 2018 - Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành). Do đó, việc tổ chức dạy học có ứng dụng ICT còn giúp học sinh làm quen và tập sử dụng thành thạo các công cụ công nghệ, từ đó hoàn thiện được năng lực này.
Phát triển năng lực không phải việc "một sớm một chiều" mà cần thời gian, đồng thời cần sự luyện tập thường xuyên. Do vậy, giáo viên cần tích cực ứng dụng ICT trong dạy học thì học sinh mới có cơ hội rèn luyện năng lực của mình.
How...?
Những định hướng ứng dụng ICT trong dạy học hoá học
Theo lí thuyết học tập nhận thức (Cognitivism learning theory)
Sơ đồ dưới đây mô hình hoá thuyết nhận thức về học tập, trong đó nhấn mạnh việc học tập diễn ra từ bên trong, bao gồm nhiều quá trình nhận thức như: sắp xếp thông tin, ghi nhớ thông tin, gợi nhớ lại tri thức cũ, liên hệ hoặc chỉnh sửa tri thức cũ phù hợp với tri thức mới... Từ đó có thể tư duy và đưa ra phương án giải quyết vấn đề, được hiện thực hoá bằng hành vi.
(Click vào mũi tên để tìm hiểu định hướng ứng dụng ICT cho từng giai đoạn)
Giai đoạn input
Thông tin đưa vào cần rõ ràng, trực quan, dễ hiểu nhằm giúp học sinh dễ dàng nắm bắt thông tin, kích thích quá trình tư duy và tích cực xử lí thông tin diễn ra ở giai đoạn tiếp theo. Do đó có thể ứng dụng ICT vào giai đoạn này để cụ thể hoá, trực quan hoá thông tin đầu vào cho học sinh, cung cấp thông tin qua kênh thị giác và thính giác, ví dụ như:
Video, hình ảnh về hiện tượng, thí nghiệm, phân tử...
Phần mềm mô phỏng, công cụ thực tế ảo, thực tế tăng cường...
Các thiết bị di động, mạng internet hỗ trợ việc truyền tải thông tin đến học sinh nhanh chóng, đầy đủ.
Giai đoạn nhận thức
Đây là giai đoạn chính của quá trình học. Nhiệm vụ của nhà giáo dục là tạo điều kiện kích thích quá trình tư duy tích cực, chủ động của người học. Do vậy, ICT có thể được ứng dụng vào giai đoạn này như sau:
Sổ tay điện tử (như Onenote) có thể giúp người học sắp xếp thông tin hợp lí, xem lại tri thức cũ đã được ghi chép trước đó, từ đó có thể liên hệ và hình thành khái niệm mới.
Laptop, máy tính bảng, điện thoại hỗ trợ việc ghi chép và lưu trữ thông tin, đồng thời cùng với Internet giúp người học tra cứu thông tin.
Giáo viên cũng có thể theo dõi việc ghi chép quá trình xử lí thông tin của học sinh, thông qua các ứng dụng tương tác đa chiều như Google doc, Onenote... nhằm kịp thời hỗ trợ và đánh giá quá trình học của học sinh.
Giai đoạn output
Sau khi xử lí thông tin, người học xuất kết quả học tập dưới dạng câu trả lời cho vấn đề, hoặc ý nghĩa của thông tin đầu vào.
Người học có thể trình bày kết quả dưới nhiều hình thức với sự hỗ trợ của ICT như: trình chiếu, bài viết, bảng biểu, sơ đồ, bản vẽ, video, website...
Người dạy có thể đánh giá và phản hồi nhanh chóng kết quả xử lí thông tin của người học qua email, các kênh quản lí lớp học online (Teams, Classroom, SHub...), hoặc các công cụ nhắn tin như Zalo, Messenger...
Theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018
Nội dung
Năng lực tin học
1. Sử dụng và quản lí các phương tiện công nghệ thông tin và truyền thông
2. Giải quyết vấn đề với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin và truyền thông
Định hướng ứng dụng
Dạy học và giao nhiệm vụ học tập trên các nền tảng ICT, yêu cầu học sinh trình bày và nộp sản phẩm dưới dạng số.
3. Ứng xử phù hợp trong môi trường số
Rèn luyện cho học sinh kĩ năng viết email và trao đổi với giáo viên trên các nền tảng nhắn tin khi trao đổi thông tin về bài học và nhiệm vụ học tập.
4. Ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong học và tự học
Giới thiệu các phần mềm hỗ trợ học tập tương ứng nội dung bài học, ví dụ mô phỏng phân tử, thí nghiệm ảo, Youtube... và kĩ năng tìm kiếm thông tin trên Internet.
5. Hợp tác trong môi trường số
Tổ chức dạy học hợp tác thông qua kênh online, ứng dụng các tính năng cộng tác trên Teams, Zoom, Onenote cho các hoạt động nhóm.
Năng lực hoá học: Chuyên đề Hoá học và ICT
1. Vẽ cấu trúc phân tử
2. Thực hành thí nghiệm ảo
3. Tính tham số cấu trúc và năng lượng.
Ứng dụng các phần mềm vẽ phân tử (ChemDraw, ChemSketch...), thí nghiệm ảo Yenka, website MoleculeView, kết hợp các phần mềm trình bày kết quả (powerpoint, word, onenote...).
What to do?
Tự đánh giá và kế hoạch phát triển
Bảng tự đánh giá năng lực ứng dụng ICT trong dạy học của mình (tháng 3/2022)
Điểm mạnh của tôi
Tôi biết sử dụng khá thành thạo máy tính, bộ Office (word, excel, powerpoint), công cụ chỉnh sửa hình ảnh cơ bản (word, các ứng dụng điện thoại), công cụ chỉnh sửa và xuất video (iMovie, QuickTime), tạo trang web cho riêng mình dựa trên nền tảng wix.com (nhằm lưu trữ tài liệu cho học sinh).
Tôi biết sử dụng các phương pháp dạy học tích cực cho các nội dung học, đồng thời có kết hợp phương tiện trực quan như video, powerpoint, padlet. Tôi biết sử dụng zoom để dạy online, kết hợp chat box, google form để tương tác với học sinh.
Tôi thường xuyên kết nối các phương pháp dạy học và công cụ ICT với nhu cầu của học sinh, phù hợp với thời gian mà học sinh có, nhằm đảm bảo việc học không quá nặng nề và áp lực cho học sinh.
Điểm yếu của tôi
Hầu hết các ứng dụng ICT mà tôi biết được đều thông qua tình cờ lướt thấy trên facebook, hoặc do thầy cô giảng viên áp dụng; ngoài ra tôi rất ít khi chủ động tìm tòi cái mới.
Tôi chưa ứng dụng tốt các phần mềm tương tác thời gian thực ở lớp (ví dụ Kahoot, Liveworksheets).
Tôi luôn có rào cản về việc cân bằng giữa cái mình muốn thực hiện với nhu cầu của học sinh. Tôi luôn e ngại rằng việc tôi thiết kế bài dạy ứng dụng ICT và các phương pháp dạy học tích cực vô tình đặt áp lực học tập lớn học sinh, từ đó học sinh sẽ thực hiện nhiệm vụ trong tâm thế chán nản.
Một số sản phẩm mình khá tâm đắc đến hiện tại, đã đưa vào dạy học trực tuyến và trực tiếp (theo CTGDPT hiện hành). Tất nhiên vẫn còn rất nhiều sai sót về kĩ năng ICT cũng như giảng dạy, mình vẫn đang tìm tòi học hỏi thêm các ứng dụng ICT khác, đặc biệt trong học phần ICT này, để có thể dạy học tốt hơn nữa.
Kế hoạch phát triển
1. Trong học phần này, tôi sẽ hoàn thiện các mục tiêu sau:
Sử dụng thành thạo, đồng thời tìm hiểu các tính năng mà mình chưa biết của các phần mềm, ứng dụng đã sử dụng: Microsoft Word, Excel, Powerpoint, Onenote, Zoom, MarvinSketch,…
Tập sử dụng các phần mềm chưa (hoặc ít) sử dụng: vẽ công thức hoá học, thí nghiệm ảo, lập trang web với google site, sử dụng Publisher, có thể tập dùng Adobe Illustrator hay Photoshop…
Áp dụng các công cụ này vào dạy học (kể cả online và offline), từ đó tìm ra sự phù hợp giữa phương pháp dạy học và nhu cầu (cũng như giới hạn về quỹ thời gian) của học sinh. Mỗi bài dạy tiếp theo tôi sẽ luôn suy nghĩ việc ứng dụng ICT vào bài học, đặc biệt là trong quá trình dạy lớp 10 và 11.
2. Sau khi hoàn thành học phần này, tôi sẽ tiếp tục thực hiện các mục tiêu:
Học cách tạo bài giảng tương tác e-learning, hoặc lập trình ứng dụng (hoặc phần mềm) đơn giản đáp ứng mục tiêu dạy học (khi các công cụ hiện tại không đáp ứng đủ mong đợi của bản thân).
Tiếp tục tăng cường tìm kiếm ứng dụng mới, không chờ kiến thức đến một cách ngẫu nhiên và tình cờ: theo dõi tích cực các group Giáo viên sáng tạo MIE, group Dạy học tích cực, group Lớp học sáng tạo...
Making progress
Tiến trình học tập
Quá trình tìm tòi và học hỏi qua học phần ICT mình sẽ cập nhật từng tuần vào các link dưới đây
Biên tập trò chơi và kiểm tra đánh giá
đánh giá năng lực ứng dụng ICT sau học phần
Bảng tiêu chí đánh giá (Biên soạn: TS. Thái Hoài Minh)
Một số những điểm tiến bộ sau khi hoàn thành học phần:
Tham gia một số nhóm chia sẻ thông tin như Giáo viên sáng tạo, MIEE Việt Nam… để cập nhật những ứng dụng ICT trong dạy học. Tích cực tìm kiếm lý thuyết và các bài nghiên cứu về phương pháp dạy học và ứng dụng ICT (như học liệu e-Learning kết hợp với mô hình Flipped classroom).
Bổ sung thêm nhiều kĩ năng trong việc thiết kế và xây dựng học liệu, đặc biệt là về mô phỏng và học liệu e-Learning.
Thiết kế và đánh giá được kế hoạch bài dạy theo các chuẩn đánh giá, thường xuyên áp dụng phù hợp ICT vào bài dạy để đạt hiệu quả cao.
Sử dụng các công cụ ICT để kiểm tra đánh giá tốt hơn, đa dạng hoá hình thức kiểm tra đánh giá, đặc biệt trong việc ôn tập cho HS trước kì thi (xem tab Bài tập).
Xây dựng website giúp HS dễ dàng truy cập nguồn học liệu, đồng thời chia sẻ những ứng dụng ICT cho đồng nghiệp.
Tuy nhiên, tôi vẫn còn một số điểm cần tiếp tục cố gắng, do đó kế hoạch phát triển tiếp theo của tôi là:
Cần tích cực hơn trong việc tìm tòi và cập nhật các xu hướng, những tiến bộ của ICT, đặc biệt là mảng lập trình và trí tuệ nhân tạo.
Học kiến thức cơ sở về website để có thể tiếp tục ứng dụng công nghệ này trong dạy học, đặc biệt trong việc xây dựng học liệu điện tử và đào tạo trực tuyến không đồng bộ.
Tìm hiểu thêm về các công cụ quản lý lớp học, ví dụ như các hệ thống LMS yêu cầu HS đăng nhập để làm bài tập… Một số hệ thống hiện tại như Shub classroom hay ClassIn đáp ứng tốt nhưng vẫn còn nhiều thao tác gây khó khăn cho HS, do đó tôi vẫn chưa áp dụng tốt trong dạy học.