biên tập phim và ảnh

Phim (video) và hình ảnh là các phương tiện trực quan phổ biến nhất, đặc biệt trong việc dạy học Hoá học. Một giáo viên trong thời đại công nghệ 4.0 không thể thiếu những kĩ năng biên tập và chỉnh sửa phim ảnh đơn giản, nhằm phục vụ tốt cho việc giảng dạy.

Vai trò của phim và ảnh trong dạy học

1. Vai trò quan trọng trong học tập

  • Theo thuyết hành vi: việc học tập bao gồm nhiều giai đoạn nhỏ, được củng cố và luyện tập thường xuyên, do vậy các phương tiện trực quan không chỉ đóng vai trò là nguồn kích thích đầu vào (stimulus) mà còn là công cụ để củng cố hành vi. Ví dụ, học sinh có thể xem lại nhiều lân một video thí nghiệm hay hình ảnh màu sắc kết tủa, từ đó có thể củng cố được kiến thức đã học, đưa ra các hành vi (response) phù hợp khi giải quyết vấn đề (như việc làm bài kiểm tra).

  • Theo thuyết nhận thức: học tập là quá trình xử lí thông tin, do vậy nguồn thông tin vào (input) là vô cùng quan trọng. Hình ảnh cung cấp thông tin trực quan qua thị giác, video cung cấp thông tin qua cả thị giác lẫn thính giác, một cách súc tích, dễ hiểu, khiến cho việc xử lí thông tin trong não bộ thuận lợi và hiệu quả hơn.

  • Theo thuyết kiến tạo: học tập là kiến tạo tri thức mới từ kinh nghiệm có sẵn, do vậy học sinh có thể tự biên tập video và hình ảnh cho những kinh nghiệm của mình, kết nối với những tri thức mới. Việc tự tạo ra sản phẩm của bản thân sẽ giúp học sinh hiểu rõ và ghi nhớ tri thức hiệu quả hơn.

  • Theo thuyết kết nối: học tập là kết nối tri thức của bản thân với các nút tri thức của nhân loại. Bên cạnh sách báo và tài liệu đọc, phim ảnh còn là một kênh lưu trữ và truyền tải tri thức rất hữu hiệu và thông dụng hiện nay. Học sinh dễ dàng kết nối với tri thức nhân loại, hoặc tin tức về một sự kiện cách nửa vòng Trái Đất thông qua hình ảnh và video được chia sẻ trên Internet.

2. Vai trò quan trọng trong dạy học Hoá học

  • Hoá học là môn học nghiên cứu về sự biến đổi của chất. Bản thân những sự biến đổi này xảy ra ở cấp độ phân tử, mắt thường (và ngay cả kính hiển vi hiện đại nhất hiện nay) không quan sát trực tiếp được. Vì vậy sự mô hình hoá cấu trúc phân tử và các biến đổi hoá học, được trình bày thông qua phim và ảnh, giúp chuyển đổi những thông tin trừu tượng trở nên trực quan và cụ thể.

  • Hoá học còn là môn học thực nghiệm, mọi lí thuyết đều được đưa ra dựa trên cơ sở giải thích hiện tượng thực nghiệm. Do đó sẽ vô cùng thiếu sót nếu dạy học hoá học nhưng lại không sử dụng thí nghiệm. Tuy nhiên không phải thí nghiệm nào cũng có thể thực hiện được, có thể do điều kiện an toàn hoặc thời gian chương trình học, do vậy các video thí nghiệm là một biện pháp thay thế hiệu quả. Vai trò này được nhấn mạnh rõ trong chương trình Giáo dục phổ thông 2018, khi mà bên cạnh các yêu cầu cần đạt về "thực hiện được thí nghiệm" luôn có phần mở ngoặc đơn "(hoặc xem video)", qua đó cho thấy việc sử dụng video thí nghiệm giúp giáo viên thực hiện được đúng và hiệu quả chương trình 2018.

  • Hay đơn giản, phim ảnh giúp việc dạy học trở nên sinh động và thú vị hơn. Chỉ cần một hình nền powerpoint đẹp, một video mở đầu bắt mắt cũng lôi kéo học sinh chú ý vào bài học hơn.

Công cụ biên tập hình ảnh

Biên tập hình ảnh là phải dùng Photoshop hay Illustrator?

Khi nhắc đến công cụ chỉnh sửa hình ảnh, chúng ta thường hay nghĩ đến các ứng dụng chuyên nghiệp như Adobe Photoshop, Illustrator... Nếu có kĩ năng sử dụng các phần mềm trên, đó sẽ là một lợi thế lớn. Tuy nhiên, phim ảnh thực tế là công cụ hỗ trợ giáo viên trong việc dạy học, và giáo viên cũng không phải là một designer chuyên nghiệp, do đó giáo viên có thể sử dụng các công cụ khác đơn giản, dễ sử dụng hơn, và hoàn toàn miễn phí.

Ứng dụng chỉnh sửa ảnh trên điện thoại

Các ứng dụng chỉnh sửa ảnh trên điện thoại chắc không còn xa lạ với chúng ta, đôi khi các em học sinh tiểu học còn biết cách sử dụng tốt nữa. Các bạn đừng xem thường các ứng dụng trên điện thoại nhé, tính năng chỉnh sửa ảnh rất nhiều đó. Mình sẽ review một vài ứng dụng hay mà mình đã sử dụng.

1. Tính năng chỉnh sửa ảnh của ứng dụng Photos có sẵn trong điện thoại

Tính năng này có thể chỉnh sửa độ sáng, độ tương phản, cắt, xoay hình ảnh. Tuy nhiên do tính năng không nhiều, mình đề xuất sử dụng công cụ này khi chỉnh sửa các bức ảnh thông thường như phong cảnh, hoặc hiện tượng thí nghiệm đơn giản.

2. Phần mềm scan tài liệu: Camscanner hay Office Lens

Giáo viên cũng thường xuyên cần phải chụp tài liệu giấy, bảng viết để làm tư liệu, thì các ứng dụng scan tài liệu này rất hữu ích. Các bạn cùng xem sự kì diệu của ứng dụng này dưới đây nhé.

Sử dụng Office Lens sẽ không lo ngại vấn đề watermark bản quyền nếu chúng ta có tài khoản Microsoft 365. Camscanner sẽ gắn logo vào mỗi trang scan nếu dùng bản free, tuy nhiên sinh viên có thể sử dụng tài khoản sinh viên để đăng kí gói Student, sử dụng các tính năng Pro nhưng hoàn toàn miễn phí.

3. Ứng dụng chỉnh sửa ảnh nhiều tính năng: PicsArt

Có rất nhiều ứng dụng chỉnh sửa ảnh trên điện thoại, với rất nhiều tính năng như thêm hiệu ứng, thêm chữ, xoá nền (có thể tốn phí)... Mình thường dùng PicsArt, một ứng dụng miễn phí, tuy nhiên các tính năng cao cấp cần tốn phí để sử dụng.

Do đó, ta nên dùng ứng dụng này để thêm các hiệu ứng (filter, sticker, kéo dãn và xoay ảnh...) mà các ứng dụng trên máy tính còn hạn chế, đối với tính năng xoá phông thì các công cụ trên máy tính thực hiện rất tốt.

Ứng dụng chỉnh sửa ảnh trên máy tính

1. Preview (ứng dụng mặc định trên MacOS)

Nếu như hệ điều hành Windows có Snipping Tools, thì MacOS có Preview. Mình đánh giá đây là một phần mềm tuy có sẵn nhưng không hề đơn điệu, sự đa tính năng của nó thực sự giúp mình rất nhiều trong quá trình chỉnh sửa hình ảnh. Các bạn cùng xem video dưới đây để hiểu rõ hơn về phần mềm này nhé.

Do bản thân phần mềm này không phải là công cụ soạn thảo chuyên nghiệp, nên khả năng chú thích vào hình ảnh không thuận lợi như Word hay Powerpoint, đặc biệt là khi viết các công thức hoá học. Vì vậy khi cần chú thích đòi hỏi hiệu chỉnh cao, ta nên cân nhắc sử dụng Word hoặc Powerpoint thay thế.

2. Word hoặc Powerpoint

Nghe có vẻ hơi lạ nhưng thực tế thì các ứng dụng này rất hữu dụng trong việc chỉnh sửa ảnh. Chúng ta sẽ tìm hiểu công cụ này thông qua ví dụ dưới đây.

Một giáo viên cần sử dụng sơ đồ sản xuất sulfuric acid theo phương pháp tiếp xúc, tuy nhiên hình ảnh tìm kiếm được lại bằng tiếng Anh, gây khó khăn cho học sinh tiếp cận. Vì thế giáo viên này cần hiệu chỉnh lại hình ảnh bằng cách xoá nền, dịch chú thích sang tiếng Việt, dán tên giáo viên hiệu chỉnh vào hình ảnh. Các bước mà giáo viên này thực hiện như sau:

Sản phẩm đạt được

Bên cạnh các tính năng sử dụng ở ví dụ trên, Word hoặc Powerpoint còn cung cấp các tính năng chỉnh sửa khác như:

  • Xoay, lật, cắt gọt hình ảnh, thu phóng hoặc thay đổi kích thước. Đặc biệt cắt gọt hình ảnh có thể cắt thành các hình (shape) tuỳ chọn.

  • Chỉnh sửa độ sáng, độ tương phản, màu tổng thể, độ trong suốt, hiệu ứng mỹ thuật...

Như vậy, đối với nhu cầu hiệu chỉnh hình ảnh cơ bản, Word hoặc Powerpoint, kết hợp với các ứng dụng trên điện thoại đã cung cấp đủ tính năng, không cần phải dùng đến các phần mềm chuyên nghiệp của Adobe. Bên cạnh đó, bạn có thể kết hợp với ứng dụng chụp màn hình để có thể xuất hình ảnh nhanh chóng (thay vì chọn tính năng Export to jpeg), chất lượng hình ảnh vẫn có thể đảm bảo.

Công cụ biên tập video

Quay video với Zoom hay Microsoft Teams

Mặc dù tính năng chính của các phần mềm này không phải là để quay video, tuy nhiên việc quay video bằng các phần mềm này sẽ có các ưu điểm sau:

1) Có thể quay các video dài nhưng dung lượng không cao. Một video có chất lượng 720p dài 90 phút chỉ khoảng 180-200 MB, 45 phút chỉ khoảng 80-100 MB, đây là một con số khó mà kiếm thấy nếu quay bằng điện thoại. Tất nhiên chất lượng quay bằng điện thoại sẽ rõ nét hơn (HD hoặc 4K), ánh sáng tốt hơn... tuy nhiên các yếu tố này sẽ không ảnh hưởng đáng kể đối với nhu cầu thông thường.

2) Video recording được lưu trực tiếp trên lưu trữ đám mây, do đó chúng ta không tốn thời gian upload lên rồi chia sẻ đường link cho học sinh. Hơn nữa việc này cũng giảm dung lượng cho máy tính cá nhân.

Để thực hiện quay video, chúng ta cần mở một cuộc họp, có thể chỉ có mình trong đó. Chọn Record the meeting, và tiến hành quay, khi quay xong thì Stop recording là xong. Vô cùng đơn giản mà không nặng dung lượng của máy.

Tuy nhiên nếu chỉ cần quay một đoạn video ngắn, chúng ta nên sử dụng điện thoại để có chất lượng hình ảnh tốt hơn.

Quay video màn hình với OBS

OBS là một trong các phần mềm được nhiều streamer sử dụng để livestream đấu game. Một số đặc điểm nổi bật của OBS là:

1) Có thể quay màn hình máy tính, kết hợp các nguồn đầu vào khác như camera máy tính, camera rời, âm thanh từ nguồn ngoài...

2) Chúng ta có thể lưu lại video đã quay với chất lượng tuỳ chọn, hoặc có thể livestream trực tiếp trên facebook, youtube, thông qua streaming key.

3) Do có khả năng tuỳ chỉnh và sắp xếp khung hình cho các nguồn input, OBS còn có thể tạo các video có background ảo như chương trình thời sự, talkshow...

Tuy nhiên khi dùng OBS một thời gian lâu có thể làm nóng máy, máy chạy chậm... nhưng không đáng kể, trong khi sản phẩm lại rất mãn nhãn.

Chỉnh sửa, cắt ghép video với iMovie

Đối với các video có sẵn (đã quay bằng điện thoại, OBS, Zoom, hoặc video tải từ Internet) cần hiệu chỉnh, cắt ghép, thêm nhạc, lồng âm thanh... chúng ta có thể sử dụng nhiều phần mềm cài sẵn trong hệ điều hành. Nếu Windows có Video Maker, MacOS có iMovie, một phần mềm chỉnh sửa video có thể gọi là chuyên nghiệp. Cách sử dụng iMovie các bạn có thể tham khảo trong video bên cạnh nhé.

Mình đã mày mò xài thử iMovie từ hồi mới mua Macbook (2016), cũng đã cắt ghép được một vài video vui vui sử dụng cho các câu lạc bộ mình đã tham gia hồi học ở UMP. Tuy nhiên bây giờ mình rất hạn chế sử dụng iMovie vì các nhược điểm như sau:

1) Dung lượng xuất bản khá cao, một video 4 phút có thể lên đến 500 MB, chất lượng tối thiểu cũng khoảng 200 MB, điều này gây khó khăn khi biên tập các video dài hơn.

2) Thời gian xuất bản video rất lâu. Video khoảng 10 phút sẽ cần khoảng 20-25 phút để xuất bản. Điều này do cấu hình của máy, vì mình sử dụng Macbook Air nên cấu hình không cao, khi xuất bản thì quạt phải chạy rất mạnh, máy cực nóng và lag. Điều này gây tổn hại đến hiệu năng và tuổi thọ của máy.

Do đó, nếu muốn sử dụng iMovie, bạn cần:

1) Có một Macbook Pro, hoặc iPad Pro M1 (điều này thì hơi tốn kém nhỉ).

2) Chỉnh sửa bằng iMovie bình thường, chiếu video ở chế độ Preview (full screen), quay lại màn hình bằng OBS, hoặc mở cuộc họp và record bằng Zoom/Teams. Như vậy thay vì tốn thời gian xuất bản và lo sợ vì máy lag và nóng, bạn vẫn sẽ thu được video đã chỉnh sửa dễ dàng và dung lượng nhẹ hơn. Đừng quá lo về chất lượng hình ảnh, vì OBS vẫn có thể xuất ra video với chất lượng tốt mà.

3) Biên tập video bằng cách website chỉnh sửa video online và miễn phí, điều này giảm thiểu bộ nhớ sử dụng trong máy, tuy nhiên cần có tốc độ Internet cao, nếu bạn không muốn chờ download từng chút một. Một số website miễn phí chỉnh sửa video:

https://www.kapwing.com/video-editor

https://clipchamp.com/en/video-editor/

https://www.veed.io

Tạo video bài giảng từ Powerpoint

Đây là một tính năng rất hay của Microsoft Powerpoint, khi có thể ghi hình bài giảng slide và xuất bản thành video. Cách thực hiện đã được cô Thảo Ngân hướng dẫn chi tiết trong video bên cạnh.

Mình cũng đã từng làm nhiều video từ Powerpoint, ví dụ như video ở dưới. Một lưu ý khi record slideshow trong powerpoint là phần âm thanh ở giữa các slide sẽ bị mất. Hơn nữa, tương tự như việc xuất bản video bằng iMovie, xuất bản video từ Powerpoint khá lâu và nóng máy, do đó ta có thể quay màn hình bằng OBS/Zoom/Teams rồi trình chiếu slide, giảng bài bình thường, cuối cùng cũng sẽ thu được video như mong muốn.

Sử dụng video trong dạy học

Một số lưu ý khi sử dụng video trong dạy học:

1) Video ngắn, tối đa khoảng 6 phút.

2) Sử dụng hình ảnh, biểu đồ... tăng tính trực quan, hạn chế chữ. Thẩm mỹ là điều quan trọng khi thực hiện video.

3) Tăng tính tích cực của học sinh thông qua câu hỏi, yêu cầu hoạt động.

4) Chia nội dung bài học theo từng chương để học sinh dễ dàng chọn đến phần muốn xem.

Một trong các mô hình dạy học tích cực được sử dụng khá rộng rãi hiện nay đó chính là mô hình lớp học đảo ngược (flipped classroom). Đặc biệt trong giai đoạn cách li xã hội do dịch COVID-19, mô hình dạy học này càng phát huy hiệu quả của nó. Ví dụ dưới đây mô phỏng một hoạt động học theo mô hình lớp học đảo ngược có sử dụng video bài giảng.

2122CHEM144101_NguyenHoangGiaKhanh_KHDHVideo.docx