Tốc độ phản ứng
Mục đích thí nghiệm: Khảo sát các yếu tố ảnh hưởng tốc độ phản ứng
Thao tác thực hiện
1. Chuẩn bị
Dung dịch sulfuric acid loãng hoặc hydrochloric acid loãng
Dung dịch H2O2, bột MnO2
Dây magnesium (hoặc viên kẽm), đinh sắt đã tẩy sạch gỉ và dầu mỡ, bột CuO, đá vôi CaCO3
Ống nghiệm, cốc thuỷ tinh, đèn cồn
2. Thao tác tiến hành
a) Khảo sát yếu tố nồng độ
Sử dụng 2 dung dịch HCl có nồng độ khác nhau (ví dụ 0,1 M và 0,2 M), cho khoảng 2 mL mỗi dung dịch vào 2 ống nghiệm.
Cho vào mỗi ống nghiệm cùng một lượng dây magnesium (hoặc viên kẽm, mẩu đá vôi, đinh sắt). Quan sát tốc độ thoát khí ở 2 ống nghiệm.
b) Khảo sát yếu tố nhiệt độ
Cho khoảng 2 mL dung dịch HCl vào 2 ống nghiệm (thể tích và nồng độ dung dịch trong 2 ống nghiệm là như nhau).
Đun nóng 1 ống nghiệm trên đèn cồn, ống nghiệm còn lại để ở nhiệt độ phòng.
Cho vào mỗi ống nghiệm cùng một lượng dây magnesium (hoặc viên kẽm, mẩu đá vôi, đinh sắt). Quan sát tốc độ thoát khí ở 2 ống nghiệm.
Có thể thay dây magnesium bằng bột CuO (dùng lượng khoảng một hạt đậu), quan sát tốc độ thay đổi màu sắc của dung dịch.
c) Khảo sát yếu tố diện tích bề mặt
Cho khoảng 2 mL dung dịch HCl vào 2 ống nghiệm (thể tích và nồng độ dung dịch trong 2 ống nghiệm là như nhau).
Cân lượng bột Mg và lượng dây Mg bằng nhau (hoặc bột CaCO3 và viên CaCO3). Cho bột Mg vào một ống nghiệm, dây Mg vào ống nghiệm còn lại. Quan sát tốc độ thoát khí ở 2 ống nghiệm.
d) Khảo sát yếu tố xúc tác
Cho khoảng 2 mL dung dịch H2O2 vào 2 ống nghiệm.
Cho một ít bột MnO2 vào một ống nghiệm, ống nghiệm còn lại để nguyên. Quan sát tốc độ thoát khí ở 2 ống nghiệm.
Tài liệu tham khảo: SGK Hoá học 10 - Bộ Cánh diều
Giải thích hiện tượng
Tổ chức hoạt động dạy học
1. Yêu cầu cần đạt trong CT2018
Thực hiện được một số thí nghiệm nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng tới tốc độ phản ứng (nồng độ, nhiệt độ, áp suất, diện tích bề mặt, chất xúc tác). (Lớp 10)
2. Tổ chức hoạt động dạy học
PPDH: Dạy học khám phá
GV đặt câu hỏi khám phá: Chúng ta có thể làm tăng tốc độ của một phản ứng hoá học bằng các cách nào?
GV gợi mở về lý thuyết va chạm (tốc độ phản ứng phụ thuộc số lượng va chạm hiệu quả giữa các nguyên tử/phân tử), dẫn dắt HS đề xuất các yếu tố có thể làm tăng tốc độ phản ứng, đề xuất thí nghiệm kiểm chứng.
GV phát phiếu học tập, HS tiến hành thực hiện các thí nghiệm theo nhóm. HS ghi nhận hiện tượng, rút ra kết luận để kiểm chứng giả thuyết, trả lời câu hỏi khám phá.
GV kết luận, đánh giá.