2.3. Dạy học giải quyết vấn đề
Dạy học giải quyết vấn đề (problem-based learning) có các đặc điểm sau:
HS được đặt vào tình huống có vấn đề, thực tiễn, hướng mở (có nhiều phương án có thể lựa chọn): các vấn đề lí thuyết không được xem là DH GQVĐ
HS không chỉ học kiến thức mà học cách (con đường) phát hiện và giải quyết vấn đề.
Các bước thực hiện
Bước 1: Nhận biết và phát biểu vấn đề:
Vấn đề được chọn phải là vấn đề thực tiễn: xuất phát từ cuộc sống, từ các thí nghiệm.
GV dẫn dắt HS vào vấn đề hoặc dẫn dắt (nêu tình huống) để HS tự phát biểu ra vấn đề: GV cần kết nối với các kiến thức cũ của HS để đưa HS vào mâu thuẫn nhận thức
Vấn đề cần đủ phức tạp, tương xứng với 1 cá nhân hoặc 1 nhóm HS.
Vấn đề có thể được đặt ra ở hoạt động mở đầu, xuyên suốt và gắn kết các hoạt động tiếp theo, để cuối cùng sau tất cả các hoạt động thì HS có thể giải quyết được vấn đề.
Bước 2: Lập kế hoạch giải quyết vấn đề:
HS tự đề xuất hoặc GV đề nghị một vài cách tìm hướng giải quyết.
Kế hoạch giải quyết vấn đề (giả thuyết) có thể là: tìm đọc tài liệu (SGK, sách tham khảo), tìm kiếm trên Internet (GV cần có hướng dẫn cụ thể về cách thức tìm kiếm trên Internet, các nguồn tin cậy…), đề xuất việc sử dụng thí nghiệm, phần mềm mô phỏng…
Bước 3: HS thực hiện kế hoạch
Sau khi có hướng giải quyết, HS thực hiện thí nghiệm, dùng phần mềm mô phỏng… để kiểm chứng giải pháp đã đề ra.
Lưu ý: việc sử dụng thí nghiệm trong DH GQVĐ là để kiểm chứng giải pháp, từ đó xác nhận giải pháp có phù hợp hay không, trong khi ở DHKP thì việc sử dụng thí nghiệm để kiểm chứng giả thuyết, nhằm giải đáp câu hỏi được đặt ra ban đầu gắn với thí nghiệm đó.
HS báo cáo, thảo luận: bằng hình thức seminar, thuyết trình…
Bước 4: Kiểm tra, đánh giá, kết luận
GV hướng dẫn HS rút ra kết luận phù hợp với kiến thức môn học.
Không nhất thiết HS phải có thể tham gia đủ hết 4 bước trên, GV có thể thiết kế cho HS tham gia tuỳ vào mức độ khác nhau:
Ví dụ minh hoạ
Ví dụ 1:
Viết được phương trình hoá học của phản ứng tự oxi hoá – khử của chlorine trong phản ứng với dung dịch sodium hydroxide ở nhiệt độ thường và khi đun nóng; ứng dụng của phản ứng này trong sản xuất chất tẩy rửa.
Thực hiện được (hoặc quan sát video) thí nghiệm tính tẩy màu của khí chlorine ẩm.
Hoạt động:
1. GV dẫn dắt vấn đề: Vì sao nước Javel lại có tính khử khuẩn, tẩy màu?
2. HS đề xuất hướng giải quyết: tìm đọc tài liệu, thử nghiệm tính tẩy màu của nước Javel.
3. HS thực hiện kế hoạch: đọc tài liệu và giải thích các quá trình diễn ra, làm thí nghiệm tẩy màu của nước chlorine và nước Javel.
4. HS trình bày phương án câu hỏi, GV kết luận và mở rộng vấn đề về sản xuất nước Javel.
Ví dụ 2: Thực hiện được (hoặc quan sát qua video) thí nghiệm ăn mòn điện hoá đối với sắt và thí nghiệm bảo vệ sắt bằng phương pháp điện hoá. (Lớp 12/Đại cương về kim loại/Sự ăn mòn kim loại)
Giao nhiệm vụ:
GV nêu tình huống: Hãy tưởng tượng em là giám đốc công ty sản xuất tàu biển bằng thép, em sẽ cần nghĩ đến những lo ngại nào khi tàu thép của công ty em tiếp xúc với nước biển? —> HS nêu các vấn đề, GV chọn vấn đề ăn mòn để giải quyết: Làm thế nào để bảo vệ tàu khỏi sự ăn mòn bởi nước biển?
GV yêu cầu HS (thảo luận nhóm) đề xuất phương án giải quyết, đa số HS nêu được các phương pháp sơn, mạ... —> GV kết luận phương pháp bảo vệ bề mặt.
GV đề xuất phương án dùng một kim loại gắn lên vỏ tàu, dẫn dắt HS giải thích vai trò (2 kim loại tiếp xúc nhau tạo pin điện hoá), dự đoán đặc điểm của kim loại (mạnh/yếu hơn sắt).
GV yêu cầu HS đề xuất thí nghiệm kiểm chứng, GV chốt quy trình thí nghiệm, yêu cầu HS thực hiện thí nghiệm, ghi nhận hiện tượng, đối chiếu giả thuyết và kết luận.
HS thực hiện nhiệm vụ: HS đề xuất thí nghiệm, dự đoán hiện tượng; thực hiện thí nghiệm, ghi nhận hiện tượng, giải thích và trả lời câu hỏi vấn đề. GV quan sát, hỗ trợ HS.
HS báo cáo nhiệm vụ: GV mời một số nhóm HS báo cáo kết quả.
GV tổng kết, đánh giá: GV kết luận phương án cho vấn đề và phương pháp bảo vệ điện hoá.
Tài liệu tham khảo
Bộ Giáo dục và Đào tạo (2018). Mô đun 2: Sử dụng phương pháp dạy học, giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực học sinh trung học phổ thông môn Hóa học. Hà Nội.
Minh, T. H. & Hoa, Đ. T. H. (2020). Foundation on Theory and Methodology of teaching chemistry.