2.6. Lớp học đảo ngược
Mô hình lớp học đảo ngược (Flipped classroom, FC) đã được giới thiệu bởi Eric Mazur (1991), sau đó trở nên phổ biến và áp dụng rộng rãi trong dạy học nhiều môn học. Trong mô hình này, học sinh được yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ học tập trên học liệu điện tử trước khi đến lớp để thảo luận và thực hiện các nhiệm vụ học tập sâu hơn (Anand, 2021).
Một số ưu điểm của mô hình này đã được chứng minh như (Anand, 2021):
Áp dụng được cho nhiều môn học (trong đó có Hoá học), phù hợp cho cả lớp học với sĩ số lớn và nhỏ.
Học sinh tự chủ trong việc học tập, có nhiều thời gian hơn để tìm hiểu kiến thức mới.
Tăng thời gian tương tác của giáo viên và học sinh, tập trung nhiều hơn đến những học sinh gặp khó khăn trong tiếp nhận kiến thức.
Dựa trên thang nhận thức của Bloom, trong mô hình FC, các mức độ nhận thức thấp có thể được hình thành tại nhà, dành thời gian tương tác với giáo viên ở lớp để hình thành các mức độ nhận thức cao, ngược lại với lớp học truyền thống.
Cách thực hiện
Các yếu tố quan trọng trong mô hình FC bao gồm (Anand, 2021):
(1) Học liệu trước buổi học (Pre-class learning resources): Học sinh được yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ học tập sử dụng các học liệu được giáo viên cung cấp.
Học liệu này có thể là tài liệu đọc, bài trình chiếu powerpoint, video bài giảng đã được ghi hình sẵn, phần mềm mô phỏng, phần mềm tương tác.
Cách thức học tập này có thể truy cập thông qua Internet, máy tính và các thiết bị ICT mọi lúc mọi nơi, được gọi chung là học tập điện tử (e-Learning) (Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2016).
Những học liệu này được xây dựng dựa trên các nguyên tắc của Lý thuyết tải nhận thức (Cognitive load theory), bao gồm: bài học phù hợp khả năng nhận thức của người học, khoảng cách nhận thức (problem space) giữa kiến thức cũ và mới phù hợp, giảm sự chi phối thị giác lên nhiều đối tượng, phối hợp kênh nghe và nhìn (The Mind Tool content team, n.d.).
(2) Cơ sở vật chất tại lớp học (Classroom infrastructure)
(3) Kế hoạch bài dạy tại lớp (In-class engagement plans): Tại lớp, HS tham gia các hoạt động do GV tổ chức để củng cố và mở rộng kiến thức đã học tại nhà.
GV có thể tổ chức seminar thuyết trình nhóm, tiến hành các bài kiểm tra cá nhân hoặc theo nhóm, tranh biện, thảo luận với học sinh.
Những hoạt động này giúp GV có cơ hội chỉnh sửa những nhầm lẫn và sai sót mà học sinh mắc phải, đồng thời giúp HS hình thành các năng lực nhận thức bậc cao.
Điều kiện quan trọng quyết định sự thành công của mô hình FC là sự đồng thuận của HS trong việc thực hiện các nhiệm vụ học tập. Do đó, việc kiểm tra đánh giá thường xuyên là cần thiết, cả trong giai đoạn trước buổi học và trong buổi học. Để đạt hiệu quả cao, mô hình FC có thể được kết hợp với một số phương pháp dạy học khác như:
Dạy học vừa đúng lúc (Just-in-Time Teaching, JiTT): trong phương pháp này, HS được yêu cầu hoàn thành bài kiểm tra online và nộp bài qua hệ thống trước buổi học. GV phân tích bài kiểm tra này, xác định những khó khăn và nhầm lẫn của HS, đồng thời thu thập thắc mắc về bài học, từ đó có thể xác định kế hoạch bài dạy cho buổi học tại lớp một cách phù hợp (Cashman & Eschenbach, 2003).
Học tập theo nhóm (Team-based learning): Đầu buổi học, HS làm bài kiểm tra cá nhân (Individual Readiness Assurement Test, iRAT) về nội dung kiến thức đã tìm hiểu ở nhà, đánh giá ở mức độ nhận thức thấp. Sau đó HS học nhóm để cùng làm bài kiểm tra nhóm (Team Readiness Assurement Test, tRAT), đến khi trả lời đúng tất cả câu hỏi trong bài kiểm tra. Cuối cùng, HS thảo luận với GV về các vấn đề của bài học (Yale Poorvu Center for Teaching and Learning, n.d.).
Ví dụ minh hoạ
Tài liệu tham khảo
Anand, S. A. (2021). Flipped pedagogy: Strategies and technologies in chemistry education. Materials Today: Proceedings.
Cashman, E. M., & Eschenbach, E. A. (2003). Active learning with Web technology - just in time. 33rd ASEE/IEEE Frontiers in Education Conference.
The Mind Tool content team. (n.d.). Cognitive Load Theory. Retrieved from https://www.mindtools.com/pages/article/cognitive-load-theory.htm
Yale Poorvu Center for Teaching and Learning. (n.d.). Team-Based Learning. Retrieved June 2022, from https://poorvucenter.yale.edu/Team-Based-Learning