2.7. Dạy học theo trạm

Đặc điểm của mô hình

Mô hình dạy học theo trạm là mô hình trong đó lớp học được chia thành nhiều nhóm nhỏ, di chuyển lần lượt hoặc tự do qua các trạm khác nhau, hoàn thành nhiệm vụ học tập ở mỗi trạm.

1) Nội dung dạy học tại trạm

  • Các trạm có thể cùng dạy học một chủ đề nhưng khác phương pháp, giúp HS lựa chọn được phương pháp phù hợp với sở thích hoặc trình độ cá nhân. Có thể xây dựng các trạm bắt buộc và trạm tự chọn cho cùng một chủ đề. Cách này giúp cá thể hoá việc học (student-centered), tăng tính tự chủ và tự học của HS.

  • Các trạm có thể dạy học các chủ đề độc lập, giúp đa dạng hoá phương pháp dạy học và tăng tính tích cực của HS.

  • Việc lựa chọn cách thức xây dựng trạm cần phù hợp với thời gian và trình tự di chuyển của các nhóm. Mỗi trạm được xem như một hoạt động học, do đó cần đủ các yếu tố trong cấu trúc của hoạt động học (mục tiêu, sản phẩm, nội dung, PP KTĐG).

2) Phương pháp dạy học tại trạm

Sự lựa chọn phương pháp cần phù hợp nội dung dạy học. Một số phương pháp gợi ý tại trạm:

  • Trạm do GV hoặc trợ giảng hướng dẫn: đàm thoại, khám phá...

  • Trạm HS học tập trực tuyến: HS nghe giảng, tương tác học liệu e-learning...

  • Trạm HS thực hiện nhiệm vụ học tập theo hướng dẫn: thực hiện thí nghiệm và ghi nhận kết quả (khám phá), giải quyết vấn đề, hợp tác...

Các công cụ ICT, thí nghiệm... có thể được sử dụng ở bất kì trạm nào phù hợp.

Các bước thực hiện

Bước 1: Xác định kiểu xây dựng trạm:

  • Cùng chủ đề hay khác chủ đề?

  • Lưu ý: Để thực hiện mô hình này, nội dung dạy học tại các trạm phải độc lập với nhau, để các nhóm có thể bắt đầu tại các trạm khác nhau mà không bị phụ thuộc trạm trước đó.

Bước 2: Xác định số lượng trạm và thời gian tại trạm:

  • Số lượng trạm tương ứng số lượng nội dung dạy học và số lượng HS. Số lượng HS mỗi nhóm chỉ 4-6 HS, nếu số lượng nhóm nhiều hơn số trạm cần thiết thì GV xây dựng nhiều trạm cùng chủ đề, để cùng lúc có nhiều nhóm cùng học 1 nội dung nhưng ở các trạm khác nhau.

  • Thời gian cho các trạm là như nhau để các nhóm di chuyển đồng thời, do đó GV cần lựa chọn nội dung phù hợp. Cần tính thêm 1 phút di chuyển giữa các trạm.

Bước 3: Xác định hoạt động học, học liệu, phương pháp đánh giá tại mỗi trạm.

Bước 4: Xây dựng quy định học tập nhằm đảm bảo quản lí được lớp học

Ví dụ

Hydrocarbon thơm (45 phút)

Hoạt động 1: Mở đầu (10 phút): GV giới thiệu Hydrocarbon thơm (dẫn dắt từ chất độc trong thuốc lá), cấu trúc phân tử, công thức cấu tạo.

Hoạt động 2: Trạm (30 phút)

  • GV sắp xếp 4 trạm, mỗi trạm có 1 trợ giảng (là HS đã được GV hướng dẫn trước nội dung bài học và cách thức điều hành tại trạm), thời gian tại mỗi trạm là 7 phút. HS được chia thành 4 nhóm, GV quan sát và điều phối lớp học.

  • Trạm Nitro: trợ giảng hướng dẫn nhóm lắp ráp mô hình phản ứng thế nitro với benzene và toluene.

  • Trạm Bromo: trợ giảng hướng dẫn nhóm lắp ráp mô hình phản ứng thế bromine với benzene và toluene.

  • Trạm Cộng: HS xem video mô phỏng phản ứng cộng H2 và Cl2.

  • Trạm Thuốc tím: HS xem video thí nghiệm phản ứng benzene và toluene với thuốc tím.

Hoạt động 3: Tổng kết (5 phút): GV tổng kết nội dung, gửi phiếu đánh giá (gồm các câu hỏi, bài tập đánh giá).

TRIỂN LÃM.pdf

Tài liệu tham khảo

Duc Hoa Pho, Huyen Trang Nguyen, Ha My Nguyen & Thi Thu Ngan Nguyen | (2021) The use of learning station method according to competency development for elementary students in Vietnam, Cogent Education, 8:1, 1870799, DOI: 10.1080/2331186X.2020.1870799